Bối rối vì nghe tư vấn ‘ngành học vô dụng’ trên TikTok

Cả tuần nay, Thuỳ Linh băn khoăn vì ngành Quản trị Kinh doanh mà em định theo đuổi tại trường Đại học Kinh tế – Luật bị một TikToker liệt vào một trong “ba ngành học vô dụng nhất Việt Nam”

Cả tuần nay, Thuỳ Linh băn khoăn vì ngành Quản trị Kinh doanh mà em định theo đuổi tại trường Đại học Kinh tế – Luật bị một TikToker liệt vào một trong “ba ngành học vô dụng nhất Việt Nam”

Thuỳ Linh là học sinh lớp 12 trường THPT Dĩ An, Bình Dương, tính đặt nguyện vọng 1 đại học vào ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh Tế – Luật. Em mong muốn theo nghề kinh doanh, khởi nghiệp trong tương lai.
“Lướt TikTok, em gặp đến gần 10 video chê ngành học này”, Linh cho biết người trong video chê ngành Quản trị kinh doanh dạy kiến thức chung nhiều mảng (marketing, logictics, kế toán, nhân sự), mỗi thứ một ít không chuyên sâu nên ra trường “không làm được gì”.
“Có người cho rằng, ngành Quản trị kinh doanh không dành cho con nhà nghèo, chỉ nên mở cho người có công ty hoặc học thêm để làm quản lý. Em lăn tăn vì gia đình không giàu, không có công ty riêng”, Linh chia sẻ.

Ngoài ra, các video 1-5 phút về ngành học lương cao, dễ xin việc như Tài chính – Đầu tư, Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Y khoa,… cũng thu hút hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt xem.
Việc xuất hiện hàng loạt video tư vấn hướng nghiệp trên TikTok, nền tảng mảng xã hội được giới trẻ ưa chuộng, trước mùa tuyển sinh 2023 khiến không ít thí sinh bối rối. Tại Việt Nam, số người dùng TikTok năm 2022 là hơn 27 triệu, theo thống kê của nền tảng marketing b2bhouse. Ngoài ra, một khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện vào quý 4 năm ngoái cho thấy 67% GenZ (11-26 tuổi) được hỏi có dùng TikTok.

Bà Nguyễn Hải Trường An, Phó phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP HCM, cho biết vì các clip trên TikTok, thời gian gần đây bà nhận được nhiều thắc mắc về “ngành học vô dụng” khi tư vấn tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành nào không tuyển được trong 2-3 năm hoặc không đạt chỉ tiêu việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp sẽ bị loại. “Ngành đó vẫn tồn tại và trường vẫn đi tuyển sinh thì không thể gọi là ngành học vô dụng”, bà An nói.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về ngành, nghề trong ngày hội tư vấn tuyển sinh ngày 26/2 tại TP HCM. Ảnh: Tuyển sinh Trường ĐH Kinh Tế – Luật

Các chuyên gia khuyên thí sinh bình tĩnh, tham khảo chắt lọc. Khi tiếp nhận thông tin, học sinh cần xem ai là người đưa ra tư vấn, độ uy tín và chuyên môn thế nào, có số liệu hay minh chứng gì không. Còn để lựa chọn ngành nghề, học sinh cần tìm được sở trường, sở đoản, đam mê, xem dự báo xu hướng việc làm tương lai từ các nguồn đáng tin cậy.

Thuỳ Linh nói sẽ tìm hiểu kỹ thông tin về ngành Quản trị kinh doanh trên báo, đài, các chuyên gia ở trường đại học, tham gia các cộng đồng kinh doanh. Em chủ động kết nối và nhận được lời khuyên từ ba, anh, chị là những người đã có kinh nghiệm trong kinh doanh. Linh được giải thích, học Quản trị kinh doanh như một nhân sự đa năng: đây là một ngành đào tạo tất cả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể làm việc, thành lập và vận hành một doanh nghiệp hiệu quả, bất kể là dạng doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, chính phủ hay phi chính phủ. Sẽ được học về cách thức vận hành và hoạt động của tất cả các phòng ban, mọi bộ phận trong một công ty như tài chính, hành chính, marketing, kế toán, sản xuất, hậu cần…Bên cạnh các kiến thức chuyên môn về các phòng ban thì bạn cũng được học về rất nhiều kỹ năng mềm để công việc đạt hiệu quả tốt nhất như: khả năng lãnh đạo, làm việc đội nhóm, phân tích và dự báo tình hình, và còn cả vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

“Em sẽ vẫn chọn ngành Quản trị kinh doanh và xác định tương lai có triển vọng hay không phần lớn là do năng lực bản thân”, Linh nói.

Chia sẻ bài viết
Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp