Toán Kinh tế: Gắn liền với doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0

Phân tích dữ liệu là nhu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0. SInh viên ngành Toán Kinh tế sẽ được học kiến thức, kỹ năng để làm công việc này

Nói về ngành học Toán Kinh tế, TS Nguyễn Phúc Sơn, phó trưởng khoa Toán Kinh tế Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG-HCM), cho biết: “Việc phân tích dữ liệu không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, chăm sóc, tiếp cận khách hàng tốt hơn mà còn mở ra cơ hội mới, phát triển toàn cầu. Đây cũng chính là những gì được đào tạo có chiều sâu ở khoa Toán Kinh tế.”

Người học phải luôn tự “nâng cấp”

Theo TS Sơn, học ngành toán kinh tế, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản về phân tích dữ liệu dựa trên ba trụ cột nền tảng vững chắc về thống kê, toán và khoa học dữ liệu; ứng dụng, làm được dự án kinh doanh, công nghệ với những kỹ năng máy tính nhuần nhuyễn; từ đó hiểu và hợp tác tốt, làm việc hiệu quả với nhiều lĩnh vực kinh doanh như marketing, tài chính, quản lý chuỗi cung ứng, … Để theo học tốt ngành này, thầy Sơn cũng chỉ ra những tố chất, điều kiện cần thiết để người học lĩnh hội được tri thức như sự năng động, chủ động trong môi trường học tập, làm việc. “Bởi lẽ công nghệ và kinh doanh luôn thay đổi từng ngày, dù khi đã đi làm, bạn vẫn phải luôn nâng cấp, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp để không bị bỏ lại phía sau, tụt hậu trước xu thế. Ngoài ra, người học cũng cần có khả năng tập trung cao, sáng tạo, chăm chỉ”, thầy Sơn chia sẻ.

Về sự khác biệt giữa nam và nữ khi chọn theo học ngành này, theo TS Sơn, nam thường có lợi thế về sức khỏe, sức chịu đựng áp lực công việc cũng như khả năng nắm bắt công nghệ, làm việc với cường độ cao. Tuy nhiên, nữ giới lại có thế mạnh về sự kiên nhẫn, mức độ tận tụy với công việc, tính chăm chỉ cộng với khả năng giao tiếp tốt, làm việc nhóm chỉn chu, hiệu quả. Dù vậy, đối với môi trường làm việc hiện nay, thầy Sơn nhấn mạnh: “Câu hỏi đặt ra là bạn có biết sử dụng điểm mạnh, ưu thế của bản thân kết hợp với với điểm mạnh của thành viên khác trong nhóm để hoàn thành tốt dự án hay không?”

Sinh viên khoa Toán Kinh tế thảo luận bài tập nhóm trong khuôn viên trường

Là sinh viên khóa đầu tiên của của khoa, Tiêu Thùy Dung chia sẻ: “Trong suốt hơn 3 năm theo học, tôi nhận thấy đây là ngành khá nhiều triển vọng, nhiều sân chơi sau này chứ không nặng như toán học thời cấp 3. Chủ yếu là các kiến thức để tôi có thể ứng dụng và làm việc với dữ liệu, các vấn đề kinh tế. Tôi cũng được học những kiến thức liên quan đến kinh tế, tài chính, quản trị từ cơ bản đến chuyên sâu.” Dung cũng tiết lộ những ưu thế khi chọn ngành học này chính là được tiếp cận với các con số ngay từ năm nhất, làm quen và tìm hiểu cách thức xử lý, tổng hợp dữ liệu, làm việc với các ngôn ngữ phổ biến như Python, R. Sinh viên được trang bị các kiến thức về toán ứng dụng, toán thống kê … cũng như kiến thức kinh tế, tài chính cơ bản để có thể hiểu và tìm hiểu sâu sau này. Có thể hiểu người học vừa có kiến thức về toán, kiến thức về kinh tế – tài chính, kiến thức cơ bản về các phần mềm ngôn ngữ. “Dù vậy, trong suốt quá trình học, tôi luôn ý thức rằng mình cần phải học hỏi và nâng cấp bản thân vì công nghệ, thị trường luôn thay đổi từng phút một”, Dung khẳng định.

Đòi hỏi ứng viên chất lượng

Trước xu thế phát triển chung của thế giới, phổ việc làm của ngành học này được đánh giá là rất rộng vì phân tích dữ liệu có mặt ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh trong đời sống. Tuy nhu cầu nhân sự nhiều, nhân lực đủ điều kiện làm việc được trong phân tích dữ liệu không nhiều, thầy Sơn nhấn mạnh: “Điều này có thể thấy rõ trên LinkedIn, rất nhiều nhu cầu tuyển dụng về vị trí này nhưng rất lâu không có ứng viên nào phù hợp. Đặc biệt trước tác động của Covid-19, nhu cầu phân tích dữ liệu ngày càng cao để có thể tính toán, dự báo trong môi trường kinh doanh nhiều rủi ro nên yêu cầu về nhân lực càng lớn rõ. Một ví dụ khác là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh khiến doanh nghiệp cần phải xem trọng khả năng ứng phó rủi ro, dự báo, hoạch định tốt mới có lợi thế cạnh tranh trong cuộc sống bình thường mới. “

Buổi thảo luận chuyên đề Định hướng nghề nghiệp giữa thầy cô và sinh viên Khoa Toán Kinh tế

Để bổ sung kỹ năng thực tế ngay từ trên ghế giảng đường, đến năm 3 đại học , mỗi sinh viên sẽ tự xác định một lĩnh vực mình muốn theo đuổi sau này để hoàn thành kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên sẽ có thêm kiến thức thực hành từ mảng kinh doanh mình quan tâm, mang kỹ năng phân tích dữ liệu được học ứng dụng vào lĩnh vực cụ thể, môn học tự chọn các học kỳ cuối cũng được chọn để phù hợp với mục tiêu trên.

Sinh viên Hữu Đạt đã hoàn thành kỳ thực tập hè chia sẻ: “Tôi thực tập từ hè năm 3 với vị trí liên quan đến phân tích dữ liệu. Việc học và việc làm chắc chắn có sự chệnh lệch nhưng tôi có thể chấp nhận và thích nghi được. Theo tìm hiểu của tôi, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm trong các ngành liên quan đến phân tích dữ liệu, các vị trí trong ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.” Đạt cho rằng dù là ngành học liên quan đến những con số nhưng không hè kén người học và khô khan, Thực tế mỗi học kỳ các môn học đều được dạy cân bằng chứ không đơn thuần chỉ học toán, chỉ cần bản thân luôn học hỏi, trau dồi cái mới thì cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở.

Chia sẻ bài viết
Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp