Ngành Quản lý công với cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên ở cả khu vực công và khu vực tư

Ngành Quản lý công được xây dựng trên theo định hướng quản trị, quản lý gắn với thực tiễn giúp người học có cơ hội việc làm rộng mở, nhất là trong khu vực công

Ngành học đầu tiên của ĐHQG-HCM đào tạo nhân lực lĩnh vực quản lý công                                     

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Quản lý công, khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế – Luật), Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng người làm việc trong khu vực công cao nhất so với các quốc gia châu Á. Do đó, nhu cầu bổ sung, kế thừa, trẻ hóa nhân lực cho hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương là thiết yếu. Để thực hiện tốt hoạt động quản lý khu vực công, đồng thời đề xuất những chính sách đúng đắn, khoa học, phù hợp thực tiễn, gắn với xu thế hội nhập; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, tệ nạn tham nhũng, xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo, liêm chính, phục vụ thì điều cốt lõi cần phải quan tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, việc mở ngành đào tạo Quản lý công là nhu cầu cấp thiết. Đây cũng nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược đến năm 2030 “ĐHQG-HCM hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt”, tiếp tục khẳng định sự phong phú, tính đa dạng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, phát huy sức mạnh hệ thống và trách nhiệm của ĐHQG HCM đối với xã hội.

Chất lượng đào tạo

Ngành Quản lý công là ngành học mới của ĐHQG-HCM được giao về Trường Đại học Kinh tế – Luật từ năm 2024. Ngành học được xây dựng theo định hướng quản trị, quản lý gắn với thực tiễn của khu vực công ở Việt Nam hiện nay. Mục tiêu chung của chương trình là đào tạo nhân lực có kiến thức chuyên môn vững vàng, đào tạo nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, hội nhập; có phẩm chất chính trị và đạo đức chuẩn mực; có kiến thức, kỹ năng tốt về quản lý, quản trị và khả năng phát triển năng lực lãnh đạo, điều hành; có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, xã hội.

Việc giảng dạy và học tập trong lĩnh vực quản lý công hiện nay đã có rất nhiều thay đổi so với 10 – 15 năm về trước. Nguồn dữ liệu hành chính và quản lý bao gồm hành chính công, chính sách, quản lý nhà nước và các công trình khoa học trong và ngoài nước… có thể được tiếp cận một cách dễ dàng. Xu hướng đào tạo gắn với thực tiễn, giải quyết các tình huống trong khu vực công trở thành một xu hướng chính trong đào tạo đại học hiện nay. Trường ĐH Kinh tế – Luật là đơn vị đã có kinh nghiệm đào tạo hơn 20 năm đối với các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật. Với việc có thêm một chương trình đào tạo có khuynh hướng đào tạo về quản trị, quản lý cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho khu vực công góp phần thực hiện tốt mục tiêu và sứ mệnh của Trường.

Chương trình đào tạo Quản lý công tại UEL được thiết kế khoa học, các môn học là sự kết nối hiệu quả giữa khoa học hành chính và quản trị. Sinh viên chọn học ngành Quản lý công sẽ được đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo, điều hành, khả năng tư duy, phân tích cũng như tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động lãnh đạo và quản lý nhà nước. Ngành này cũng trang bị cho các bạn trẻ tư duy nhạy bén, sắc sảo trong việc phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách công. Ngoài các kiến thức cơ bản về nền tảng lý luận chính trị, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, kinh tế, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về khoa học quản trị, quản lý, về nền hành chính cũng như các phương pháp, kỹ năng và công cụ quản lý trong khu vực công… Tất cả những kiến thức này có mối liên kết với nhau nhằm tạo ra một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc cho sinh viên ngành Quản lý công trước khi tốt nghiệp.

           Chương trình tham quan thực tế của thầy cô và sinh viên ngành Quản lý công với UBND TP Vũng Tàu

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở 

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể tham gia làm việc tại nhiều vị trí ở các đơn vị, cơ quan:

  1. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, bao gồm: các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, có rất nhiều vị trí công việc có liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Quản lý công như: Quản lý tổ chức, Quản lý nhân sự, Quản lý đô thị, Quản lý dự án, Hoạch định chính sách công, Tổ chức cán bộ, Hành chính văn phòng, Tổng hợp,…
  2. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, vừa và nhỏ ở nhiều vị trí công việc như: Tổ chức cán bộ, Chuyên viên quản lý nhân sự, chuyên viên nghiên cứu chính sách và phát triển dự án, chuyên viên hành chính văn phòng…Bên cạnh đó, với kiến thức đa dạng được cung cấp trong chương trình đào tạo Quản lý công, sinh viên ra trường có thể tham gia làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế….với lợi thế nắm vững về kiến thức quản lý nói chung, đặc biệt là về quản lý nhà nước.
  3. Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức liên kết khu vực và thế giới.
  4. Các tổ chức nghiên cứu khoa học: đóng góp năng lực chuyên môn góp phần vào sự phát triển xã hội.
  5. Các cơ sở giáo dục đào tạo: thực hiện các công tác giảng dạy, quản lý nhân sự, tổ chức bộ máy, quản lý nghiên cứu khoa học… đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng để bổ sung vào đội ngũ giảng viên giảng dạy về quản lý, quản trị đối với khu vực công và kể cả khu vực tư.
  6. Tiếp tục theo học đúng chuyên ngành và các ngành gần trình độ đào tạo cao hơn như: thạc sĩ Quản lý công, thạc sĩ Chính sách công, tiến sĩ Quản lý công, Quản lý Hành chính công, ngành Quản lý nhà nước, và các ngành/chuyên ngành gần như chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế (Quản lý kinh tế, Kinh tế học; Kinh tế phát triển; Quản trị nhân lực, Quan hệ lao động) ở các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Với cơ hội được tham gia học tập ở bậc cao hơn cho phép người học có những cơ hội tiếp cận và thành công ở nhiều vị trí công việc chất lượng, khẳng định giá trị quan trọng trong các tổ chức quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu

Ở nước ta, hơn 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tỷ lệ công chức, viên chức trên dân số cao nhất so với các quốc gia châu Á (4,8 %). Vì thế, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công vẫn còn đang nan giải. Riêng tại TPHCM, theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM dự báo giai đoạn 2015 – 2020 đến 2025, nhu cầu nhân lực Quản lý hành chính là 16,200 người/năm, thuộc nhóm 06 ngành nghề thu hút nhiều lao động ở TPHCM. Trong khi đó, ngành đào tạo Quản lý công ở nước ta mới xuất hiện trong những năm gần đây. Hiện nay, các cơ sở đào tạo về ngành này ở nước ta còn chưa nhiều. Hơn nữa, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu lớn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực quản lý công.

Với thiết kế chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, sinh viên tốt nghiệp từ ngành này hoàn toàn có khả năng tự tin và sẵn sàng tham gia vào môi trường làm việc của các doanh nghiệp và công ty thuộc khu vực tư nhân. Với cấu trúc chương trình đào tạo được thiết kế kỹ lưỡng, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với các thách thức và nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý nhân sự, văn phòng tổng hợp, và thư ký hành chính. Điều này giúp họ nắm bắt được các yếu tố quan trọng liên quan đến quản lý và tổ chức công việc, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp một cách hiệu quả. Đặc biệt, sự tự tin của sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ đến từ kiến thức chuyên môn mà còn từ khả năng áp dụng linh hoạt và sáng tạo trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân. Các kỹ năng này không chỉ giúp họ thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc thực tế mà còn là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp.

“Em chọn học ngành này vì em có niềm đam mê với lĩnh vực quản lý, quản trị nhất là trong khu vực công. Em muốn trở thành một cán bộ, công chức có năng lực và trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Học ngành quản lý công, em được tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng, như lý luận về quản lý công, quy trình chính sách công, pháp luật trong quản lý công, lãnh đạo trong khu vực công, quan hệ lao động trong khu vực công, đạo đức công vụ,… Em cảm thấy ngành học này rất thú vị và bổ ích, giúp em mở rộng tầm nhìn và nâng cao năng lực. Em cũng được học tập và làm việc với những thầy cô và bạn bè tài năng, trách nhiệm và nhiệt huyết. Em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi là sinh viên của ngành quản lý công.”

Trần Huỳnh Lâm
SV năm thứ 3 ngành Quản lý công

Chia sẻ bài viết
Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp