Chương trình Co-operative Education: Sinh viên năm 2 được trả lương tại doanh nghiệp

Năm 2024, Trường đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM lần đầu tuyển sinh chương trình dạy và học hợp tác với doanh nghiệp “Co-operative Education” (Co-op) ở 02 ngành công nghệ tài chính và hệ thống thông tin quản lý.

PGS.TS Nguyễn Anh Phong giới thiệu về chương trình đào tạo Co-op ngành Fintech
tại buổi tọa đàm với 25 doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ số tháng 6/2024

Sinh viên được trả lương ngay khi học tại doanh nghiệp

Th.S Cù Xuân Tiến – Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế – Luật, cho biết: “Điểm đặc biệt của chương trình Co-op là dạy học có sự kết hợp giữa các học kỳ học tập thông thường với một số kỳ tập sự hay tham gia như một nhân viên chính thức, thậm chí sinh viên có thể được trả lương tùy vào vị trí, năng lực cũng như yêu cầu của doanh nghiệp”.

Theo chuyên gia, dạy và học theo mô hình Co-op khá phổ biến từ rất lâu ở nhiều nước, đặc biệt là Canada và Mỹ. Các nước này có quy định mức lương tối thiểu theo giờ. Do đó, ngay trong học kỳ tại doanh nghiệp nếu đáp ứng yêu cầu, sinh viên sẽ được doanh nghiệp trả lương cao hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu của các sinh viên đi làm thêm. 

“Phương thức dạy và học này giúp người học tăng cường kiến thức thực tế và các kỹ năng cần thiết khi đi làm tại doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên dễ dàng tìm kiếm được các việc làm tốt, lương cao sau khi tốt nghiệp vì có kiến thức vững chắc, thái độ làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng rất tốt nhu cầu thực tiễn” – ông Tiến cho biết thêm.

Vừa qua, Trường đại học Kinh tế – Luật đã đạt được thỏa thuận với hàng chục doanh nghiệp để sinh viên Co-op của trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp chi trả mức lương hấp dẫn theo thị trường. Trong kỳ tuyển sinh đầu tiên năm 2024, mức học phí của chương trình xác định ở mức ưu đãi bằng với mức học phí chương trình đào tạo bằng tiếng Việt 27,5 triệu đồng/năm học.

Lợi ích của chương trình dạy và học hợp tác với doanh nghiệp

Vừa học tại trường vừa học tập, làm việc tại doanh nghiệp

Để tổ chức chương trình Co-op cho hai ngành trên, nhà trường đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp lớn về công nghệ, thương mại điện tử, fintech, ngân hàng.

Theo đó, sau khi học xong các học phần lý thuyết tại trường, sau mỗi 2 học kỳ, khi đến doanh nghiệp (4 tuần ở năm thứ nhất và tăng dần lên 8 tuần và có thể nhiều hơn nữa ở các năm sau đó) sinh viên sẽ được giao thực hiện các công việc, dự án, chương trình cụ thể của doanh nghiệp tương ứng với khối kiến thức quy định trong chương trình đào tạo.

Doanh nghiệp sẽ cử chuyên gia để hướng dẫn, huấn luyện và phối hợp với giảng viên của trường để đánh giá quá trình và kết quả cuối cùng của học phần thực tế. Kể từ năm thứ 2 sinh viên được giao thực hiện các công việc có tính chuyên môn tăng dần.

“Sinh viên sẽ có cơ hội đóng góp giá trị cho hoạt động của doanh nghiệp, làm việc như nhân viên tập sự, nhân viên bán thời gian và thậm chí có thể như là nhân viên chính thức của doanh nghiệp. Khi đáp ứng được điều kiện này sinh viên sẽ được doanh nghiệp trả lương thích đáng ngay từ năm thứ 2 tương ứng với năng lực và sự đóng góp của các bạn” – ông Tiến chia sẻ.

Chương trình đào tạo có nhiều học phần triển khai khi đi làm thực tế tại doanh nghiệp

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Phong – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, trong suốt quá trình đào tạo, doanh nghiệp tham gia hướng dẫn, đánh giá từ kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên từ năm nhất. Nhờ vậy doanh nghiệp nắm bắt được năng lực cá nhân, có điều kiện sàng lọc, tuyển dụng được nhân viên chính thức chất lượng tốt.

“Để đảm bảo khoảng thời gian dành cho sinh viên đi làm việc thực tế, nhà trường sẽ đẩy nhanh các tín chỉ lý thuyết, phía doanh nghiệp sẽ cùng hướng dẫn sinh viên các học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn” – ông Phong cho biết thêm.

TS Lê Hoành Sử – Trưởng khoa Hệ thống thông tin, nhận định chương trình Co-op không chỉ đem lại lợi ích cho sinh viên mà còn tạo cơ hội để giảng viên tham gia cùng doanh nghiệp thực hiện các dự án và doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động giảng dạy.

“Tham gia công việc thực tiễn tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất, sinh viên có cơ hội trải nghiệm với các công việc khác nhau, thực hành các kiến thức chuyên môn vào thực tiễn công việc, gia tăng thích nghi và làm quen với văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có thể đặt ra mục tiêu, vị trí làm việc và động lực học tập đúng đắn. Chương trình đào tạo sẽ có một số học phần triển khai khi đi làm thực tế tại doanh nghiệp, kiến tập, thực tập và đồ án tốt nghiệp” – ông Sử cho hay.

Tin và hình ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết
Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp