Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Theo lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD-ĐT công bố, ngày 27-6 thí sinh làm thủ tục dự thi, ngày 28 và 29-6 thí sinh làm bài thi 4 môn.

Theo lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD-ĐT công bố, ngày 27-6 thí sinh làm thủ tục dự thi, ngày 28 và 29-6 thí sinh làm bài thi 4 môn.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 – Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2023?

Một điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023 là thí sinh không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhằm phát hiện tiêu cực vào phòng thi.

Ngày 28-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có một số điểm mới đáng lưu ý liên quan tới trách nhiệm của thí sinh.

Không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Cụ thể tại khoản 4, điều 14 có thay đổi về quy định những đồ dùng, thiết bị thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý.

So với quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành theo thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định cho phép thí sinh mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hinh có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Quy chế mới cũng bỏ quy định tại điểm n, khoản 4, điều 14 cấm thí sinh mang vào phòng thi giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Việc bỏ những khoản “cấm” được liệt kê cụ thể ở điểm n vì theo quan điểm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nó không cần thiết. Đã có quy định những vật dụng “thí sinh chỉ được mang” ở điều m, khoản 4, điều 14. Ngoài những vật dụng cho phép, những vật dụng, thiết bị khác đều không được phép, không cần phải liệt kê cụ thể.

Trước đó, tình trạng gian lận có tổ chức xảy ra tại một số hội đồng coi thi trên cả nước ở một số kỳ thi tốt nghiệp THPT đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào quy chế cho phép thí sinh được mang thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình nhưng không thể nghe, xem trực tiếp để có thể ghi lại bằng chứng gian lận.

Tuy nhiên, trong góp ý của các nhà quản lý giáo dục không nên đưa vào quy chế nội dung này vì thí sinh đến điểm thi để thi, chứ không phải thực hiện trách nhiệm thu âm, thu hình việc gian lận.

“Điều chỉnh nhằm siết chặt kỷ luật”

Quy chế sửa đổi, bổ sung cũng có một số điều chỉnh liên quan với nhân sự của hội đồng ra đề thi. Cụ thể, quy định mới là người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. 

Mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.

Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học – kỹ thuật trong hội đồng ra đề thi là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong đó ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng.

Quy chế mới cũng có một số điều chỉnh quy định cụ thể hơn về việc bố trí, quản lý, kiểm soát với một máy điện thoại cố định hoặc di động, máy tính kết nối Internet được sử dụng ở hội đồng thi phục vụ công tác thi nhưng đảm bảo không sử dụng sai mục đích.

Quy chế cũng quy định chặt chẽ hơn về các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật ở các khâu sao in đề thi, bảo quản đề thi, bộ phận làm phách, bảo quản bài thi và chấm thi.

Nguồn: Sưu tầm.

Chia sẻ bài viết
Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp